I. Tổng quát
Thời gian: 14h00 – 17h30 thứ 7, 15/03/2014
Chủ đề về Hồi giáo và những hiểu nhầm thường gặp
Khách mời:
- Chị Nguyễn Phương Mai (Giảng viên ngành Đàm phán đa văn hóa và Trung Đông học)
- Anh Abu Zaytune Usman Ibrahim (giảng viên giáo lý Islam tại An Giang)
- Chị Fatiha Kim Anh (Phật tử cải đạo sang Islam)
II. Nội dung
Khởi động: brainstorming “Các bạn nghĩ gì khi nhắc đến Hồi giáo?”
-> “Khủng bố”, “bí ẩn”, “cực đoan”, “bất bình đẳng giới”, “trang phục đặc biệt”… Thật sự Hồi giáo[1] (hay đúng hơn là Islam) có như vậy không?
1. [Chị Mai] Có 3 cách đề nhìn nhận một tôn giáo:
- Cách 1 – Tôn giáo dưới góc độ khoa học: để giải đáp cho loài người nguyên thủy về nguồn gốc của họ, tại sao có nắng, có mưa, có thiên tai, vũ trụ…
- Cách 2 – Tôn giáo được xem như công cụ giúp con người chinh phục thế giới: con người là hữu hạn, chúng ta sẽ bệnh hoặc chết nhưng ta muốn chinh phục mọi thứ, vì vậy con người tạo ra tôn giáo để phản chiếu ước mơ trở nên bất tử, có thể nhìn thấu tứ phương vũ trụ.
- Cách 3 – Tôn giáo được dùng để xác lập hệ thống đạo đức trong xã hội: người xấu xuống địa ngục, người tốt lên thiên đàng – giúp con người cư xử đúng mực hơn, để thấy thế giới còn có công bằng.
Chúng ta có quyền nhìn nhận tôn giáo theo cách riêng của mình, nhưng với chị Mai, chị nhìn dưới góc độ khoa học, không có cái gì đúng cái gì sai, chỉ có những tranh luận bất tận.
Còn anh Usman và chị Fatiha vì là tín độ nên sẽ có góc nhìn đạo đức -> hiểu góc nhìn của nhau để tôn trọng quan điểm của nhau hơn trong buổi tọa đàm.
2. [Anh Usman] Tính khoa học trong kinh Qur’an
[Anh Usman] Kinh Qur’an có tính khoa học. Các chi tiết về vụ nổ Big Bang, sự giãn nở của vũ trụ, cách hình thành phôi thai, cấu trúc núi non… trong Kinh Qur’an có từ cách đây 1.400 năm khá giống với các kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại, chỉ khác văn phong diễn đạt.
- Tóm tắt lịch sử hình thành kinh Qur’an qua cách nhìn của tôn giáo:
[Chị Mai & Anh Usman] Theo tín đồ Islam: Thượng Đế đã ban lời chỉ dạy xuống cho loài người qua 2 bộ kinh Cựu ước (của Do Thái giáo) và Tân ước (của Thiên chúa giáo). Nhưng qua thời gian, Ngài nhận thấy nó đã bị bóp méo và không còn đúng hoàn toàn với ý Ngài nữa nên đã chọn Muhammad làm vị sứ giả cuối cùng để truyền lời mặc khải. Muhammad vốn mồ côi, không biết chữ, trong suốt 23 năm đã được Thượng Đế truyền cho những mặc khải rải rác, sau này, tín đồ của ông tập hợp lại thành một quyển kinh. Đó chính là kinh Qur’an của Islam, một phần lớn khá giống với hai bộ kinh Tân Ước và Cựu Ước.
[Chị Mai] Từng nhánh Islam khác nhau có những tư tưởng nhìn nhận khác nhau. Có nhánh cho rằng Đức Phật, Khổng Tử cũng là thiên sứ do Thượng Đế chọn lựa.
3. [Chị Fatiha] Giới thiệu Kinh Qur’an và 5 trụ cột của Islam
- Điều cốt lõi trong đức tin của một tín đồ, cũng như câu tuyên thệ Shahadah “Không có Thượng đế nào khác ngoài Allah, Muhammad là sứ giả của Ngài”.
- Việc cầu nguyện Solah. Tín đồ Islam cầu nguyện năm lần một ngày: bình minh, giữa trưa,giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối. Tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu – tại trường học,nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời – nhưng phải theo 1 số quy định.
- Thuế an sinh Zakat. Hàng năm, Muslim trích 2,5% tổng lợi tức và thu nhập đóng góp cho người nghèo và người gặp cảnh không may.
- Nhịn chay tháng Ramadan. Muslim nhịn ăn vào ban ngày trong tháng Ramadan, trừ trẻ em, người già và những người ốm đau bệnh tật. Mục đích: Chế ngự dục vọng (ăn uống, tình dục), chế ngự cảm xúc và hành động tiêu cực
(giận dữ, thất hứa, nói dối), tăng sự kiên nhẫn và lòng cảm thông thực sự cho người nghèo đói.
- Hành hương Hajj. Ít nhất một lần trong đời, Muslim có khả năng tài chính và sức khỏe phải hành hương tới thánh địa Mecca (nay thuộc địa phận Saudi Arabia), nơi khởi thủy của Islam. Mục đích: tăng cường sự đoàn kết và bình đẳng của Muslim trên thế giới với niềm kính sợ Thượng Đế, bất kể khác biệt trong cuộc sống của từng người.
Q&A: Nếu tín đồ đang đi trên đường mà đến giờ cầu nguyện thì làm sao? Ai cũng bắt buộc phải hành hương về Mecca?
[Anh Usman] Người đi đường xa được gộp một số buổi cầu nguyện lại theo quy định riêng. Không phải ai cũng bắt buộc phải hành hương về Mecca, chỉ những ai có điều kiện thôi. Islam luôn tạo thuận lợi cho tín đồ của mình.
4. [Anh Usman] Các kiêng kỵ trong giáo lý của Islam
Q&A:
1. Vì sao Islam không cho tín đồ ăn thịt heo, tiết canh,…?
[Anh Usman] Không phải chỉ vì những thức ăn đó ô uế theo kinh Qur’an, mà còn vì chúng dễ chứa mầm bệnh, Islam muốn bảo vệ sức khỏe của tín đồ. Vì lý do này, Islam cũng không khuyến khích tín đồ ăn chuột hay những động vật bị chết không phải do con người giết mổ đúng cách (vì có thể chúng chết do bệnh).
2. Vì sao có thông tin cho rằng một số phụ nữ Muslim bị cắt âm hộ, còn một số nam giới bị bắt phải cắt bao quy đầu?
[Anh Usman] Cắt bao quy đầu (nam giới) là một phương pháp khoa học nhằm vệ sinh khỏi cặn nước tiểu, đồng thời tránh một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả HIV. Đây không phải hủ tục.
Cắt âm hộ (nữ giới) là một phong tục (tức là yếu tố văn hóa, không phải tôn giáo) đã có từ trước khi Islam ra đời, không phải sản phẩm của Islam. Nguyên nhân của phong tục này là giúp phụ nữ góa chồng trong các cuộc chiến có thể kiểm soát được dục vọng.
[Chị Mai] Việc cắt bỏ âm hộ đã có từ thời buôn nô lệ. Vì người ta cho rằng các cô gái bị cắt âm hộ và khâu lại là còn trong trắng, như vậy giá bán sẽ cao hơn. Đây là yếu tố văn hóa nhiều hơn yếu tố tôn giáo.
5. [Chị Fatiha] Giao tiếp với người Muslim
Người Muslim ở khắp nơi khi chào nhau đều dùng “Assalamu Alaikum” (Cầu xin Allah ban phúc lành cho bạn), hoặc “Salam” cho ngắn gọn.
Nam giới với nhau khi chào có thể bắt tay. Còn nam và nữ nếu như không phải người trong gia đình thì không nên va chạm thể chất.
[Chị Mai] Việc nam nữ Muslim không bắt tay xuất phát từ một lời khuyên được cho là của Muhammad. Tuy nhiên, mức độ đáng tin cậy của các câu chuyện này (hadith) từ 1.400 năm qua vẫn luôn được các học giả tranh cãi vì chúng chỉ được ghi lại hơn 200 năm sau khi Muhammad qua đời với rất nhiều dị bản và các hadith giả mạo. Việc nam nữ không bắt tay cũng được nhiều lãnh đạo tôn giáo giải thích theo cái nhìn cởi mở hơn. Hiện nay, hầu hết Muslim đều coi việc bắt tay là một hành vi xã giao bình thường.
Q&A: vì sao chị Fatiha Kim Anh lại cải đạo sang Islam? Chị có thấy bị gò bó khi mặc trang phục Islam?
[Chị Fatiha] Chị cải đạo từ khi gặp một người bạn Muslim, rồi đọc quyển kinh Qur’an và nghiệm ra tính đúng đắn của nó. Với chị, được làm điều mình thích thì không có gì gò bó. Chị thích mặc trang phục của Muslim.
6. [Chị Mai] Islam vs Islamism
[Chị Mai] Islam (Hồi giáo) >< Islamism (Chủ nghĩa Hồi giáo) (tạm dùng tên này để giải thích cho dễ hiểu). Cần phân biệt rõ 2 khái niệm này trong suy xét về những gì truyền thông đang đưa tin.
Chủ nghĩa Hồi giáo nhấn mạnh rằng Hồi giáo phải chi phối toàn bộ xã hội, chính trị và đời sống cá nhân, từ đó tư tưởng này có thể sinh ra nhiều chính sách hoặc hoạt động hà khắc, cực đoan.
Các tổ chức mạng lưới của Islamism ở khắp nơi trên thế giới, cả bạo lực lẫn phi bạo lực: Wahhabism (Saudi Arabia), Huynh Đệ Hồi Giáo (Ai Cập), Taliban (Afghanistan), Al-Qaeda…
Chủ nghĩa Hồi giáo đang lấn lướt những người Hồi giáo theo tư tưởng cánh tả hoặc trung dung. Cộng đồng thế giới và truyền thông với những lời lẽ gay gắt thật ra đang nói về Chủ nghĩa Hồi giáo. Không nên đánh đồng đó là Hồi giáo và tín đồ Hồi giáo nói chung.
7. Vấn đề khủng bố trong Islam
[Anh Usman] Giáo lý Islam không bao giờ ủng hộ khủng bố.
Theo Qur’an, kẻ nào giết 1 mạng người là giết cả thế giới, giúp đỡ một người là giúp đỡ cả thế giới. Hãy nói lời tốt lành, đối xử nhân ái với mọi người. Islam cũng đặt ra luật chiến đấu rất nghiêm ngặt, bao gồm sự cấm đoán không được hại đến thường dân, phá hủy mùa màng, cây cối và vật nuôi.
Q&A: Thánh chiến (Jihad) là gì?
[Anh Usman] Jihad có nhiều tầng bậc. Nghĩa chính xác của Jihad là “đấu tranh” mới thể hiện được tính đa nghĩa, còn “thánh chiến” thì nghiêng lệch về chiến tranh vũ trang.
– Đấu tranh nội tâm (dục vọng, cảm xúc tiêu cực, nản chí…)
– Ý chí bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và người xung quanh (chống trộm cắp, cướp, vu khống)
– Đấu tranh vũ trang vì tổ quốc hoặc tôn giáo Jihad cao quý nhất trong Islam là chiến đấu với bản thân mình để đạt được cân bằng và bình an nội tâm (nhưng cái này không “hot” bằng đánh bom liều chết cho cánh truyền thông đưa tin).
8. Bất bình đăng giới
[Chị Fatiha] Phụ nữ Muslim có nhiều quyền như phụ nữ thuộc các tôn giáo khác (có quyền thừa kế từ khi sinh ra, nhận của hồi môn, có quyền ly hôn và phân chia tài sản công bằng…). Chị không cảm thấy sự bất bình đẳng.
[Anh Usman] Đó chỉ là sự phân công dựa theo bản năng giới tính: Nam giới mạnh hơn về thể chất thì làm việc nặng hơn và kiếm tiền nuôi gia đình. Phụ nữ thường làm tốt vai trò chăm sóc gia đình hơn đàn ông.
Phụ nữ có quyền đi làm kiếm tiền tùy hoàn cảnh và chí hướng, nhưng đó không phải nghĩa vụ bắt buộc để nuôi gia đình như đàn ông.
Q&A:
1. Vì sao phụ nữ Muslim lại mặc trang phục kín từ đầu đến chân chỉ hở mặt và bàn tay?
[Anh Usman] Islam cho rằng phụ nữ là viên ngọc quý cần được bảo vệ. Hơn nữa trang phục như vậy sẽ khiến phụ nữ tránh được những ánh nhìn soi mói và hậu quả không hay từ đàn ông bên ngoài.
Ngoài ra, nó cũng khiến đàn ông có vợ không dòm ngó hình thể các cô gái ngoài đường và đem vợ mình ra ngầm so sánh.
[Chị Mai] Nhấn mạnh rằng không phải nữ tín đồ Muslim nào cũng ăn mặc kín mít như vậy. Một bộ phận không nhỏ Muslim ăn mặc hoàn toàn giống người ngoại đạo và không trùm khăn. Cả Trung Đông chỉ có Saudi và Yemen là nơi đại bộ phận phụ nữ mặc niqab trùm kín người. Việc điều chỉnh trang phục của mình dựa vào cách diễn giải kinh Qur’an của từng tín đồ. Kinh Qur’an nguyên bản tiếng Ả Rập có thể dẫn đến nhiều cách lý giải khác nhau. Đó chính là lý do khiến các tư tưởng Islam trung dung, tự do hoặc cực đoan đều có thể đem Qur’an ra làm điểm tựa cho các chính sách của mình.
2. Vì sao đàn ông Islam có thể có 4 vợ?
[Anh Usman] Trước khi Islam ra đời đã có tập tục đa thê, người đàn ông được phép có vô số vợ. Khi Islam xuất hiện, giới hạn lại còn 4. Islam đã quy định, hạn chế và làm cho chế độ này nhân văn hơn, và đề ra quyền và quan hệ bình đẳng cho tất cả các vợ.
Bối cảnh: Xuất phát từ thời chiến tranh, việc này nhằm đảm bảo các góa phụ và trẻ mồ côi có được các quyền và lợi ích hợp pháp mà họ chỉ có khi họ có một gia đình chính thức (nhu cầu tình dục, con cái, hôn thú, sở hữu và sử dụng tài sản), hơn là “cô tình nhân” không được hưởng các quyền lợi hợp pháp và luôn trong tình trạng không ổn định.
Nguyên nhân khác:
- Giảm các rắc rối trong gia đình và xã hội do tình trạng ngoại tình gây ra
- Giảm áp lực tâm lý cho cả vợ lẫn chồng khi vợ vô sinh
Islam cho phép họ được kết hôn với người đàn ông đã có vợ, với điều kiện:
- Vợ cả cho phép chồng cưới thêm vợ
- Chồng phải đảm bảo đối xử công bằng và cung cấp chỗ ở riêng cho các vợ.
Không có phụ nữ nào bị ép buộc kết hôn với đàn ông đã có vợ nếu cô không muốn.
Islam nghiên cứu sâu hơn vào các vấn đề của cá nhân và xã hội, đưa ra các giải pháp thực tế, trong sạch và ích lợi chứ không né tránh.
[Chị Mai] Thật ra luật cho phép đa thê nhưng hiện nay hiếm có người đàn ông Muslim nào có hơn 1 vợ. Việc cho phép 4 vợ chỉ là giải pháp từ thời xa xưa khi có chiến tranh chứ không phải được Islam khuyến khích.
3. Dựa vào đâu để cho rằng kinh Qur’an qua 1.400 năm không sai chữ nào? Bởi lẽ nó được viết bằng tiếng Ả Rập mà ngôn ngữ thì đa nghĩa, làm sao biết mỗi tín đồ đều hiểu về nó theo cách giống nhau?
[Anh Usman] Theo góc nhìn tôn giáo lý luận để giải thích là nó không thể bị hiểu sai.
[Chị Mai] Khoa học không và chưa bao giờ nhìn nhận Qur’an dưới lăng kinh sai hay đúng. Với cách tiếp cận Islam như một khoa học, Qur’an được coi là một cuốn thánh kinh của đạo mà thôi. Tiếng Ả Rập, như mọi ngôn ngữ khác, đương nhiên là đa nghĩa. Chính vì vậy là mỗi cành nhánh tôn giáo, mỗi lãnh đạo tôn giáo, thậm chí mỗi tín đồ đều có thể giải thích và diễn dịch theo những cách khác nhau. Một ví dụ đơn giản là từ “daraba” trong thiên khải 4:34 có thể dịch là chồng có quyền “đánh” vợ, nhưng cũng có thể được dịch là chồng có quyền “xa lánh” vợ.
Việc diễn giải kinh Qur’an dẫn đến các luồng tư tưởng đi theo cả ba hướng: tự do, trung dung, và cực đoan. Các nước khá cực đoan như Saudi sẽ có những chính sách cực đoan như việc bắt buộc phụ nữ phải có đàn ông giám hộ, ăn mặc kín bưng. Các nước theo đường lối tự do hoặc trung dung như Tunisia thì thậm chí cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu và ứng cử trước cả nhiều quốc gia châu Âu, hiến pháp quy định rõ phụ nữ và nam giới hoàn toàn bình đẳng. Bản thân Islam cũng đề cao một giáo lý gọi là Ijtihad (independent reasoning/ suy luận độc lập): mỗi tín đồ có quyền và khả năng tiếp cận Islam theo cách của riêng mình.
9. Đóng góp của nền văn minh Islam đối với nền văn minh nhân loại như thế nào? Vì sao lại có một sự đi xuống?
[Chị Mai] Thời kỳ hoàng kim của văn minh Ả Rập gắn với Islam giáo là từ thế kỷ thứ 9 đến 13. Họ chủ động hòa nhập, tiếp nhận và dịch các tác phẩm khoa học quan trọng của Hy Lạp và các nền văn minh khác sang tiếng Ả Rập. Đó là thời kỳ xã hội đa tôn giáo được trẩn trọng, cộng đồng Muslim chỉ là thiểu số trong hầu hết các vùng lãnh thổ thuộc nằm dưới quyền cai trị của chính quyền trung tâm Hồi giáo. Rất nhiều các phát minh, nghiên cứu, công trình khoa học được tôn vinh mà tác giả không phải là tín đồ Islam. Thời kỳ rực rỡ này xảy ra khi châu Âu vẫn còn chìm trong đêm trường Trung Cổ, và nó góp phần tạo đà cho Thời đại Khai minh của châu Âu (thế kỷ 17, 18).
3 nguyên nhân cho thời kỳ vàng son này:
– Ngôn ngữ chung là tiếng Ả Rập -> dòng kiến thức tự do chảy, không cần phiên dịch, dễ dàng trao đổi, tranh luận.
– Cả đế chế Islam đc đặt trong tay của 1 hệ thống chính trị trung tâm. Dòng văn hóa, thương mại di chuyển dễ dàng, không có sự cản trở nào.
– Từ thời kỳ của đế chế Abbasid -> chính sách loại bỏ dấu vết của quyền lực bộ lạc, đưa tiếng Ả Rập và Islam giáo trở thành bản sắc văn hóa và bản sắc chính trị của cả đế chế. Tư tưởng “Một giọt mực của học giả còn hơn một giọt máu của kẻ tử vì đạo”.
Tuy nhiên, vì sao nền văn minh này bị suy tàn? Có 2 nguyên nhân:
– Bị quân Mông Cổ xâm chiếm, tàn sát vào thế kỷ thứ 13.
– Quan trọng nhất: Phong trào Muwazili là phong trào học thuật của các nhà nghiên cứu Islam với tư tưởng rất tự do, mang khoa học lên thành kim chỉ nam của cả 1 đế chế. Phong trào này được sự ủng hộ của 1 vị Caliph (người đứng đầu đế chế Islam) là Manmun.
Tuy nhiên, Manmun đã quá tôn sùng khoa học đến mức cực đoan, cho rằng những ai đi ngược phong trào Muwazili đều đáng bị trừng phạt. -> Vật cực tất phản. Sau thời của Manmun, những người bị truy quét và những người phản đối phong trào Muwazili trở nên cực đoan không kém.
-> Khoa học bị đè nén và trả thù. Không còn những công trình khoa học phải khiến chúng ta phải ngỡ ngàng nữa. Islam dần dần bị chiếm lĩnh bởi các tư tưởng bảo thủ, phản đối khoa học, phủ nhận các cách nhìn khác nhau đối với Qur’an, tiếp thu những tư tưởng bó hẹp và đặt một quyền lực vô tiền khoáng hậu vào những hadith của Muhammad.
[Chị Mai] Hiện nay châu Âu đang nhìn nhận lại những đóng góp làm nền móng cho sự phát triển của châu Âu. Họ đưa Islam vào nhiều chương trình đào tạo ở Đại học, sinh viên nào cũng có kiến thức căn bản về Islam.
-> Bằng cách nhìn nhận lại, châu Âu và Islam không còn là 2 đối tượng quá xa xôi, tách biệt với nhau nữa. Không có công trình nào không được xây dựng từ bàn tay, khối óc của những người đi trước. Châu Âu và Islam tuy 2 mà 1. Đây cũng là cơ hội để những người Muslim chân chính đứng lên nói tiếng nói của mình thay vì bị những người theo Chủ nghĩa Hồi giáo cướp diễn đàn.
Q&A: Vì sao Islam theo anh Usman nói là tôn giáo chuộng hòa bình, mà người sáng lập ra nó là Muhammad lại là một người chinh phạt, đánh chiếm các vùng đất?
[Chị Mai] Đội quân đi chinh phạt là chinh phạt tài nguyên, lãnh thổ và chính trị dưới lá cờ tôn giáo. Trong thực tế, phần lớn người dân thường đóng thuế chứ không phải cải đạo, đây chính là nguồn thu ngân sách chính của đế chế và là động lực chính để đế chế đem quân đi mở rộng bờ cõi. Chính vì vậy trong lãnh thổ của đế chế Hồi giáo thời kỳ đầu, người Muslim chỉ chiếm thiểu số.
10. Vì sao Islam bị nghĩ là gắn với khủng bố và cực đoan?
[Chị Mai] Từ quan điểm cực đoan, trung dung đến tự do, bất kỳ tôn giáo nào cũng có, Islam tất nhiên không phải là ngoại lệ. Chúng ta cần nhìn theo hướng càng rộng càng tốt, đừng chỉ nhìn cục bộ.
Còn báo chí luôn đưa các tin xấu và giật gân về Islam bởi đó là điều mà chúng ta, với bản năng con người, muốn nghe. Bộ phận trong não tên Amygdala đảm nhiệm chức năng này, nhạy cảm hơn mức bình thường đối với các sự kiện hoặc phán đoán tiêu cực để chúng ta có thể phòng vệ kịp thời.
Cái sai của truyền thông một chiều là xem Trung Đông như một dân tộc, và đánh đồng những người Muslim cực đoan là toàn bộ người Muslim. Ví dụ thấy một Muslim đánh bom thì nghĩ ai cũng có thể đánh bom, hoặc thấy một Muslim che kín thân thể mặt mũi thì nghĩ cộng đồng tín đồ ai cũng ăn mặc như vậy. Cái sai của chúng ta là chỉ tiếp nhận những thông tin phiến diện đó mà không tìm hiểu hặc mở lòng, mở đầu óc để có cái nhìn toàn diện, đa sắc màu, và hài hòa hơn.
III. Kết luận
– Vật cực tất phản (cái gì quá cũng không tốt)
– Tiếp nhận thông tin có chọn lọc và suy xét phản biện
– Chủ động tìm hiểu với trái tim và cái đầu rộng mở, tiếp nhận thông tin và kiến thức đa diện, phân tích kỹ càng trước khi hình thành một quan điểm hoặc nhận xét.
Buổi tọa đàm không nhằm mục đích truyền đạo hay kêu gọi ủng hộ riêng tôn giáo nào, mà BTC chỉ giúp các bạn hiểu rõ hơn về Islam qua trao đổi với 3 khách mời với những góc nhìn khác nhau. Còn chọn cho mình quan điểm thế nào về vấn đề gì, thì đó là một con đường riêng và dài lâu của các bạn.
HẾT
——————————————
[1] Vì sao người Việt dịch là “Hồi giáo”? Danh từ “Hồi” xuất phát từ dân tộc Hồi Hột, phía Bắc Trung Quốc, từng giúp nhà Đường dẹp loạn An Lộc Sơn. Khi tiếp xúc với người dân tộc Hồi Hột vốn theo Islam, người Trung Quốc thấy người Hồi Hột theo tôn giáo “lạ” nên dùng tên của dân tộc Hồi Hột để gọi tên tôn giáo Islam. Người Việt tiếp nhận phiên âm tiếng Trung Quốc nên gọi là Hồi giáo.
“Islam” tiếng À Rập nghĩa là “vâng mệnh, tuân phục Thượng đế”, nói lên bản chất của tôn giáo này.
-> “Hồi” chỉ là 1 sự hiểu nhầm về văn hóa, nên hạn chế sử dụng. Hồi giáo: Islam giáo. Tín đồ Hồi giáo: Muslim.